10 điều cần biết để tránh bị trừ điểm oan môn Toán.

Đây là lưu ý tưởng "vặt vãnh" nhưng sẽ giúp học sinh hạn chế tối đa những điểm trừ đáng tiếc khi bạn thi môn toán trong ki thi tuyển sinh sắp tới

Mẹo vặt vật lý

Mẹo vặt và kinh nghiệm làm bài vật lý

Luận tiếng anh

Những bài luận thông dụng

So sánh hai tác phẩm

Đề văn hiện nay có xu hướng nghị luận văn học kiểu so sánh hai tác phẩm, bài viết này sẽ giúp ta hiểu hơn về nó.

Tác hại của việc sử dụng điện thoại trong đêm

clip của VTV nói về tác hại của việc sử dụng điện thoại trong đêm.

Total Pageviews

Sunday, August 21, 2016

Việt Nam có trường mẫu giáo đẹp nhất thế giới


Trên Business Insider ngày 17/8, một trường mẫu giáo ở Việt Nam lọt danh sách 11 trường đẹp nhất thế giới. Các mẫu thiết kế sử dụng không gian rộng mở, màu sắc tươi sáng để trẻ có thể khám phá một cách tự nhiên.
Nhà trẻ Farming do một công ty nước ngoài đầu tư ở Đồng Nai (Việt Nam) mới đây được vinh danh là một trong những tòa nhà đẹp nhất thế giới bởi Arch Daily. Mái trường được phủ cỏ và những khu vườn, cho phép trẻ nhỏ được kết nối với nguồn gốc nông nghiệp của đất nước.
Kiến trúc sư: Võ Trọng Nghĩa.
Nằm trong danh sách nhà trẻ đẹp còn có École Maternelle Pajol ở Paris (Pháp) mang đến nhiều màu sắc nhất bạn có thể có được trong một trải nghiệm giáo dục. Tòa nhà bốn phòng học được xây dựng vào những năm 1940. Việc tu sửa gần đây của trường đã thêm vào những bức tranh vẽ cầu vồng trong nhà.
Kiến trúc sư: Olivier Palatre.
Mẫu giáo Shining Stars ở thủ đô Jakarta (Indonesia) có những khoảng sân nhỏ để đón nhận ánh sáng tự nhiên và những không gian chơi làm bằng gỗ tự nhiên để trẻ cảm thấy như chúng đang ở bên ngoài.
Kiến trúc sư: Djuhara + Djuhara.
Trường mẫu giáo Fuji ở Tachikawa, Nhật Bản, được xây dựng vào năm 2007 giống như một vòng tròn hoàn chỉnh. Nó khuyến khích trẻ chạy xung quanh trên một lối đi có lót ván trên mái nhà, trèo cây gần đó, "rơi xuống" và di chuyển tự do giữa các phòng không có cửa.
Kiến trúc sư: Takaharu Tezuka.
Trường mẫu giáo OA, ở thành phố Saitama (Nhật Bản), được làm hoàn toàn bằng container chống động đất. Kết quả tạo ra là một kiến trúc có cảm giác công nghiệp. Kiến trúc này vững chắc nhưng vẫn mang lại cho trẻ rất nhiều không gian để đi lại ngoài trời.
Kiến trúc sư: Hibino Sekkei.
Ở Miyakojima, Nhật Bản, trường mẫu giáo Hanazono tương đối rộng lớn, nối liền một mạch từ không gian lát gỗ thành phẩm đến những bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận thông qua cửa trượt.
Kiến trúc sư: Hibino Sekkei, Youji no Shiro.
Trường mẫu giáo Loop ở Thiên Tân (Trung Quốc) gợi hình ảnh của các bong bóng với nhiều cửa sổ bên ngoài. Bên trong là không gian lớn bằng gỗ để chơi cũng với cửa nhiều màu.
Kiến trúc sư: Nhóm kiến trúc sư SAKO
Sarreguemines Nursery, ở Sarreguemines (Pháp) được thiết kế giống như tế bào của con người với trường mẫu giáo ở trung tâm giống như hạt nhân. Vườn bao quanh cấu trúc giống như tế bào chất và nội thất trang trí hoàn toàn bằng màu hồng mang đến một không gian dễ chịu để vui chơi.
Kiến trúc sư: Michel Grasso + Paul Le Quernec.
Trường Cộng đồng Anh John Septimus Roe, ở Beechboro (Australia), mang nét thiết kế Bắc Âu với giếng trời, gỗ dán bạch dương và hiệu ứng màu sắc. Nó thu hút cả những trẻ nhút nhát nhất.
Kiến trúc sư: Nhóm kiến trúc sư thiết kế Brooking
Trường mẫu giáo quốc tế Kensington, Bangkok (Thái Lan), được xây dựng để đánh thức trí tưởng tượng của trẻ em. Những bức tường uốn cong xung quanh tòa nhà làm trẻ không cảm thấy bị đóng hộp trong những đường thẳng cứng nhắc.
Kiến trúc sư: Nhóm kiến trúc sư Plan
Wolfartsweier, ở Karlsruhe (Đức) là trường mẫu giáo với thiết kế mới lạ. Tòa nhà hình con mèo thậm chí có đuôi đầy đủ.
Kiến trúc sư: Tomi Ungerer, Ayla-Suzan Yöndel

Wednesday, August 17, 2016

Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh

South China Morning Post ngày 13/8 đưa tin, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã nói với Singapore: "Hãy đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông" bên lề một cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại khu tự trị Nội Mông.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân được South China Morning Post dẫn lời nói rằng:
"Vì Singapore không phải là một nước có yêu sách ở Biển Đông, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Singapore, với điều kiện không can thiệp vào vấn đề Biển Đông, sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN." [1]
Phát biểu trong cùng buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong kêu gọi, tất cả các bên kiềm chế không làm tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Theo South China Morning Post, phát biểu của ông Dân là nhằm chỉ trích phát biểu mới đây của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hoa Kỳ, kêu gọi dùng luật pháp thay vì vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Càng trịch thượng kẻ cả, càng phản cảm
Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Mỹ là rất chuẩn mực, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, yêu chuộng công lý và hòa bình mà nhân loại đang theo đuổi:
"Lý tưởng nhất, phán quyết của trọng tài quốc tế thiết lập trật tự cho thế giới, bởi vì khi có tranh chấp giữa các quốc gia, nếu có cơ quan trọng tài xét xử dựa trên các nguyên tắc (pháp lý quốc tế) được thừa nhận rộng rãi thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc tranh chấp đến cùng và đọ xem súng của ai mạnh hơn." [2]
Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì Trung Quốc tuyên truyền về "trỗi dậy hòa bình" hay đề cao "pháp trị".
Chỉ tiếc rằng hành động thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông và phát biểu, ứng xử của một số nhà ngoại giao Trung Quốc đang đi ngược lại với tinh thần "hòa bình", "pháp trị" ấy.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thô bạo gạt các nước khác khỏi khu vực Biển Đông, cho dù thực tế căng thẳng bởi tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có Singapore.
Tiến sĩ Ian Storey từ Singapore đã bình luận về chiến lược ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong một bài viết đăng trên James Town (jamestown.org) ngày 17/12/2010 rằng, sai lầm của Trung Quốc ở Đông Nam Á là "thiếu quyến rũ, thừa phản cảm".
Cái sự "thừa phản cảm" ở đây là phát biểu của ông Dương Khiết Trì khi còn là Ngoại trưởng Trung Quốc, tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội tháng 7/2010 đã tuyên bố rằng:
"Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế."
Ông Trì nói điều này khi "nhìn chằm chằm vào mặt" đối tác Singapore. [3]
Gần đây, ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách lĩnh vực đối ngoại cũng tuyên bố một câu phi ngoại giao, thiếu văn hóa khi ví, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc "chỉ là tờ giấy lộn". [4]
Mới đây nhất, hãng tin Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin ngoại giao nói rằng, đêm muộn hôm 24/7, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc còn "gọi" người đồng cấp nước chủ nhà tới khách sạn đoàn Trung Quốc đang ở khi sang Lào dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác. [5]
Nếu thông tin này chính xác thì đây là một hành động cực kỳ phản cảm, phản ngoại giao của một nhà ngoại giao hàng đầu.
Bởi ngày nay các nước đều bình đẳng dưới mái nhà chung của Liên Hợp Quốc và mọi hành xử phải theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Càng là những nhà ngoại giao, càng phải biết tôn trọng khuôn khổ và quy tắc, chí ít là phép lịch sự tối thiểu.
Chính những hành động này đang phản ánh rõ nét tư duy Đại Hán, nước lớn, luôn cho mình cái quyền ăn trên ngồi trốc với thiên hạ, làm cho hình ảnh đất nước Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa trở nên méo mó, xấu xí trong con mắt các nhà ngoại giao khu vực và quốc tế.
Tiết lộ của học giả Trung Quốc Wang Jin, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Khoa học Chính trị, Đại học Haifa, Israel, từng nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc trong bài viết đăng trên The Diplomat ngày 17/8, cũng cho thấy tư duy và cách làm phản ngoại giao này.
Đó là ông Vương Nghị lại vừa dùng "chiến thuật" cây gậy và củ cà rốt với nước láng giềng Ấn Độ, để tìm cách ép New Delhi không đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu vào đầu tháng Chín tới.
Cây gậy mà ông Nghị giơ lên với Ấn Độ, theo Wang Jin là:
"Nếu Ấn Độ đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20, Trung Quốc sẽ trả đũa Ấn Độ trong hội nghị thượng đỉnh BRICS. Còn củ cà rốt là, ông Nghị hứa Trung Quốc sẽ hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG)."
Tuy nhiên theo Wang Jin, "cây gậy và củ cà rốt" của Bắc Kinh có thể không đảm bảo được sự im lặng của Ấn Độ về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh G-20. [6]
Rõ ràng Trung Quốc càng tìm cách "nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế ngoại giao" theo tư duy mình là "trung tâm thiên hạ", các nước khác chỉ là chư hầu, chiếu dưới thì càng phản tác dụng.
Chính trị hóa các vấn đề pháp lý sẽ không đi đến đâu
Vậy là đã hơn 1 tháng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài được PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc.
Quan sát những phản ứng của Trung Quốc thời gian vừa qua có thể thấy, họ tiếp tục duy trì lập trường "3 Không".
Tuy nhiên thực tế phán quyết trọng tài cho dù chưa được Bắc Kinh thừa nhận, nhưng đã có những ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Chuyến đi Ấn Độ vận động New Delhi đừng đưa Biển Đông ra G-20 của ông Vương Nghị, hay cách ứng xử cả giận mất khôn của Bắc Kinh đối với Singapore cho thấy, Trung Quốc thực sự đang lúng túng và tìm cách đối phó với áp lực từ dư luận.
Sử gia, nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm từ Bắc Kinh đã bình luận trên đài VOA tiếng Trung Quốc ngày 15/8 về việc, tại sao ông Tập Cận Bình lại đẩy sự việc đến nước này, nó có làm giảm uy tín của ông trong đảng và trong nước hay không?
Theo ông Phàm, lợi dụng chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa quốc gia có lợi cho đối nội. Thông qua việc tạo dựng các "thế lực thù địch" giả tưởng để chuyển các mâu thuẫn đối nội ra bên ngoài là cách thức thường được Trung Nam Hải sử dụng.
Tuy nhiên sau phán quyết trọng tài, đã không xuất hiện tình trạng biểu tình đập phá như đã từng xảy ra trong vụ tranh chấp chủ quyền Senkaku / Điếu Ngư với Nhật Bản trước đây.
Lý do theo ông Chương Lập Phàm là, sự ổn định của chính quyền Trung Quốc đã gặp một số vấn đề.
Nếu không kiểm soát tốt dư luận trong nước, những cuộc biểu tình như vậy có thể quay lại làm hại chính chính quyền Trung Quốc. Bởi vậy Bắc Kinh đã kiểm soát chặt dư luận và chỉ phản ứng về phán quyết trọng tài một cách chừng mực, có kiểm soát trên các phương tiện truyền thông trong nước.
Ngoài ra, mặc dù phán quyết trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự mơ hồ đối với đường lưỡi bò. Nhưng cách làm này cho thấy đội ngũ tham mưu của Trung Nam Hải không hiểu gì về ngoại giao.
Tổng giám đốc Tập đoàn (truyền thông) Minh Kính, ông Hà Tần nói với VOA tiếng Trung Quốc, là một nước lớn đang trỗi dậy, cách hành xử của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn sai lầm.
Trung Quốc càng lên gân ở Biển Đông, càng đẩy các nước trong khu vực về phía Hoa Kỳ, hoặc đẩy các nước này vào chỗ phải liên kết lại với nhau để chống (sự bành trướng) từ Trung Quốc. Rõ ràng điều này bất lợi cho Bắc Kinh.
Còn theo đánh giá của ông Phàm, một khi nổ ra chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông thì Trung Quốc khó thắng, trách nhiệm cá nhân đối với ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Quân ủy trung ương khi đó sẽ rất lớn, không thể gánh nổi.
Rất may là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có thỏa thuận ngầm, không để dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa hai nước ở Biển Đông thời gian tới. [7]
Ông Tập Cận Bình nên xem lại đội ngũ tham mưu về chính sách đối ngoại
Cá nhân người viết cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang là một nhà lãnh đạo rất mạnh mẽ tại quốc gia này cũng như trên thế giới. 
Dư luận Trung Quốc, khu vực và quốc tế rất ngưỡng mộ chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" mà ông phát động, thường xuyên đốc thúc triển khai. 
Có thể nói chiến dịch này là vô tiền khoáng hậu, thể hiện rõ nét nhất tính chất thượng tôn pháp luật, cho dù có là cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực đi nữa cũng không được nằm ngoài vòng pháp luật.
Số tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc nghỉ hưu cũng như đương chức bị xử lý trong chiến dịch này còn nhiều hơn cả số tướng chết trong chiến tranh.
Làm được điều này, chắc chắn ông Tập Cận Bình phải có được sự ủng hộ rất lớn từ trong nội bộ đảng lẫn trong nước. Người dân Trung Quốc ủng hộ ông vì tinh thần pháp trị, thượng tôn pháp luật.
Nhưng trong lĩnh vực đối ngoại do bộ máy tham mưu hiện nay xây dựng, hình ảnh và uy tín của Trung Quốc trong mắt dư luận khu vực và quốc tế càng ngày càng sa sút. 
Thay vì tinh thần thượng tôn pháp luật như ông đang xiển dương trong nước, sức mạnh của pháp luật và công lý quốc tế lại bị cán bộ ngoại giao dưới quyền ông xem là "không hơn một tờ giấy lộn".
Một nhà lãnh đạo giỏi không phải một nhà lãnh đạo biết tất cả, mà là một nhà lãnh đạo tập hợp được đội ngũ tham mưu giỏi, chính trực, chí công vô tư.
Còn một khi để những kẻ cơ hội chính trị, đục nước béo cò lọt vào bộ máy tham mưu của mình, thì "con dại cái mang", danh tiếng và vị thế của vị lãnh đạo ấy không thể không bị ảnh hưởng.
1,3 tỉ dân Trung Quốc không thiếu nhân tài cương trực, chỉ tiếc rằng những tiếng nói của họ chưa đến được với ông Tập Cận Bình bởi chính rào cản từ bộ máy tham mưu hiện nay.
Do đó thay vì bỏ tiền mua ủng hộ, người viết cho rằng đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại chính sách đối ngoại, đặc biệt là đội ngũ tham mưu công tác đối ngoại cho mình.
Chỉ cần hành xử đường hoàng, thượng tôn pháp luật, hay nói như người Trung Quốc là hãy chơi một cách "quân tử" thì mặc nhiên thế giới đều ủng hộ và chào đón Trung Quốc, không phải tốn một hào. Chỉ có cách đó mới có khả năng giúp Trung Quốc lấy lại được uy tín, danh dự và vị thế trên trường quốc tế.
nguồn: giaoduc.net

Sunday, August 14, 2016

Thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn xét tuyển đại học?

(GDVN) - Sau khi biết điểm chuẩn xét tuyển đại học, thí sinh phải nộp bản chính kết quả thi THPT Quốc gia 2016 cho trường xác định học tập.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc 12 ngày đăng ký xét tuyển đợt 1 vào Đại học (từ 1-12/8/2016), các trường Đại học phải tập hợp dữ liệu và công bố kết quả điểm chuẩn vào các khoa của trường.

Từ ngày 12-14/8, các trường Đại học phải công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường trong đợt 1.

Từ ngày 14-19/8, thí sinh nào trúng tuyển phải nộp giấy chứng nhận kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 (bản chính) đến trường mà thí sinh quyết định học.
Trước đó, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, do thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường nên sẽ có nhiều thí sinh có thể trúng tuyển cả 2 trường. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng “thí sinh ảo” và gây khó khăn cho các trường.
Chính vì vậy, Bộ quy định, sau khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải xác nhận là sẽ học ở trường nào bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đó. Những thí sinh không nộp sẽ được coi như không có nguyện vọng học và trường sẽ không gọi thí sinh đó vào nhập học.

Tương tự như vậy đối với thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 trường vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đại học. Điều này cũng là để giúp các trường đại học biết được chính xác số lượng thí sinh sẽ học tại trường mình cũng như biết được còn bao nhiêu chỉ tiêu để công bố cho đợt xét tuyển bổ sung.

Để lấy giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh lưu ý đăng ký dự thi tại đâu, phiếu báo điểm sẽ được chuyển về địa điểm đó.

Ngoài bản chính giấy công nhận kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh nên mang theo giấy tờ tùy thân như: Hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân để nhà trường đối chiếu thông tin cá nhân…

Thí sinh lưu ý là khi đã nộp bản chính kết quả thi THPT Quốc gia năm 2016 thì coi như là các em đã chính thức xác nhận đã học ở trường Đại học đã trúng tuyển. 
Thêm một số trường trong nhóm GX công bố điểm chuẩn: 
Tính đến nay đã có 11 trường trong nhóm GX công bố điểm chuẩn đại học đợt 1 năm 2016. 
Đại học Xây dựng Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2016 đối với các khối A, A1 và V. Đối với tổ hợp môn Toán, Vật lý, Vẽ Mỹ thuật (khối V), trường xét tuyển 2 ngành.
Trong đó, ngành Kiến trúc có môn Toán và Vẽ Mỹ thuật nhân hệ số 2, ngành Quy hoạch vùng và đô thị có môn Toán nhân hệ số 2.
Đại học Kinh tế Quốc dân công bố điểm chuẩn với mức điểm cao nhất là 25,5 (8,5 xét thang điểm 10) ngành Kế toán và 25,44 (8,48 xét thang điểm 10) ngành Kinh tế Quốc tế.
Ngành thấp điểm nhất là Quản lý công và chính sách học bằng tiếng Anh (E-PMP) 20,55 điểm.
Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn của 12 ngành đào tạo đại học chính quy năm 2016.

Trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,02. Ngành Quản lý kinh doanh (liên kết với Đại học York St John) có điểm trúng tuyển thấp nhất là 16,08.
Đại học Mỏ địa chất công bố điểm chuẩn từng ngành, theo đó ngành cao điểm nhất là ngành kế toán 5.69 điểm (chấm theo thang điểm 10).


Đại học Thăng Long chính thức công bố điểm chuẩn của 5 khối ngành
Khối ngành Toán - tin học với các ngành như Toán ứng dụng, khoa học máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Hệ thống thông tin, có chung điểm trúng tuyển là 21,12.
Khối ngành Kinh tế - quản lý với các ngành Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 15,54 điểm.

 Khối ngành Ngoại ngữ, Ngôn ngữ Nhật cao điểm nhất với 21,16 điểm, ngôn ngữ Trung Quốc 20,56 điểm, ngôn ngữ Anh 20 điểm và ngôn ngữ Hàn Quốc 18,24 điểm.
Khối ngành Khoa học xã hội nhân văn có cùng mức điểm là 15,24 đối với 2 ngành VIệt Nam học và Công tác xã hội. 15 điểm là điểm trúng tuyển chung của khối ngành Khoa học và sức khỏe.
nguồn: giaoduc.net

Saturday, August 13, 2016

Nhiều trường ĐH bắt đầu công bố điểm chuẩn



    TTO - Hôm nay, 13-8, nhiều trường ĐH đã bắt đầu công bố điểm chuẩn, mời bạn đọc đón xem cập nhật liên tục trên Tuổi Trẻ Online. Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, hầu hết các trường này có điểm chuẩn bằng điểm sàn xét tuyển.
Sáng nay, nhiều trường ĐH khối ngoài công lập công bố điểm chuẩn đợt 1 đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ năm 2016. Trưa nay các trường ĐH lớn đã công bố điểm chuẩn.
Theo đó, đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, hầu hết các trường này có điểm chuẩn bằng điểm sàn xét tuyển và các trường thông báo tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 các ngành có tăng so với các năm trước từ 0,5 - 3 điểm, tùy ngành ở bậc ĐH.
Các ngành ở bậc CĐ, nhà trường lấy điểm trúng tuyển là 12 điểm ở tất cả các ngành, riêng ngành dược là 15 điểm. Với mức điểm này, theo thống kê của nhà trường, đợt này có hơn 900 thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) thông báo sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2, với điểm xét tuyển của tất cả các ngành là 15 điểm với các ngành bậc ĐH và tốt nghiệp THPT đối với bậc CĐ.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ lớp 12, trong đợt 2 (từ ngày 1đến 12-8) có 592 thí sinh trúng tuyển. Điểm trúng tuyển ĐH là 18 điểm, điểm trúng tuyển cao đẳng là 16,5 điểm.
Như vậy tổng 2 đợt xét tuyển có1.044 thí sinh trúng tuyển. Nhà trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3 (từ ngày 15 đến 27-8), với điểm xét tuyển của tất cả các ngành là 18 điểm đối với bậc ĐH và 16,5 điểm đối với bậc CĐ.
Ngày 15-8 các thí sinh trúng tuyển đợt 1 của phương án xét tuyển theo kết quả học bạ lớp 12 sẽ nhập học.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố điểm chuẩn ngành dược là 16 điểm, tất cả các ngành còn lại 15 điểm đối với phương thức xét tuyển THPT quốc gia. Đối với phương thức xét tuyển học bạ ngành dược 19 điểm, các ngành còn lại 18 điểm.
Nguồn: tuoitre.vn

Friday, August 12, 2016

Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục thí điểm chế độ đãi ngộ giáo viên



Chiều ngày 12/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm học 2015 – 2016, triển khai công tác của ngành trong năm học 2016 – 2017 và phát động phong trào thi đua trong ngành cho năm học mới.
Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, lãnh đạo UBND thành phố, cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Trưởng phòng Giáo dục các quận huyện, Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn đến dự.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, áp lực của một thành phố lớn, nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố đã có nhiều cố gắng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, những gì mà ngành giáo dục làm được đều được, có nhiều nỗ lực thì đều được cảm nhận, ghi nhận một cách rất chính xác. Chính những con số báo cáo của ngành, sẽ giúp cho người dân hình dung rõ về thực tại của ngành giáo dục và đào tạo của thành phố.
Dù vậy, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất nhiều bất cập yếu kém, cần phải sớm được khắc phục: Tệ nạn dạy thêm và học thêm, thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở độ tuổi mầm non.
Chương trình dạy kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và phụ huynh, hiện tượng quá tải học sinh trong lớp học còn xảy ra, còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở các giáo viên và học sinh.

Chất lượng chuyên môn của giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất được đầu mối quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập.
Từ đó, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị, ngành giáo dục và đào tạo của TP.Hồ Chí Minh cần chú ý 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới sắp đến:
Một là cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù của thành phố, nhằm mang lại hiệu quả tích cực.
Nhanh chóng giảm tải chương trình phổ thông, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn, phát triển toàn diện văn thể mỹ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai năm học 2016 – 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hai là: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và truyền thống đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Ba là: Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý  luận chính trị cho đội ngũ, chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, đề xuất thêm chương trình, giải pháp, chính sách để nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác.
Nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm nhà giáo, theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực các nhân tố giỏi, tích cực.
Bốn là: Huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa đề đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế.
Năm là: Phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết nhà trường – gia đình và xã hội, giữ mối liên hệ và kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị địa phương, với phụ huynh học sinh, thực hiện tốt chế độ chính sách xã hội trong giáo dục.
Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiệt thòi được học tập trong môi trường thuận lợi, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân thành phố.